Nguồn: thanhnien.vn
Trước căn nhà của vợ chồng thầy cô giáo Kiên luôn có 2 thùng xốp lớn, suốt từ trong mùa dịch 2021 cho tới bây giờ. Nhiều người tò mò không biết để làm gì.
Đó là căn nhà ở số 134 – 136 đường Thống Nhất, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM. Trước căn nhà, vợ chồng thầy Nguyễn Hữu Chung Kiên, giáo viên Trường THPT Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú và người vợ của mình, cô Phan Thị Mỹ Huệ, giáo viên trường tư thục Nguyễn Khuyến luôn để 2 cái thùng xốp lớn. Người khó khăn gõ cửa là có thể vào lấy nhu yếu phẩm.
“Một thùng đựng trứng. Một thùng đựng gạo. Lúc nào cũng có sẵn. Chúng tôi bỏ tiền túi ra mua và một phần là của anh em, bạn bè góp tiền lại, gửi nhờ chúng tôi mua để đó cho người cần ghé lấy. Trong mùa dịch, người nào hoàn cảnh khó khăn cũng có thể ghé qua để xin gạo, trứng mang về. Đó là thực phẩm rất cần thiết, để mọi người có thể nấu một bữa cơm ăn”, cô Huệ kể.
Nhưng không chỉ là 2 cái thùng xốp lớn với những tình cảm, sự quan tâm tới cộng đồng. Cho tới bây giờ, hành trình làm việc thiện với vợ chồng thầy giáo Kiên chưa dừng lại.
Từ đâu, vợ chồng thầy cô có những việc làm tử tế trong cộng đồng như vậy?
Từ tấm biển kêu cứu
Kể với PV Báo Thanh Niên, thầy Nguyễn Hữu Chung Kiên hồi tưởng: “Khi dịch bệnh bùng phát căng thẳng, như nhiều người dân TP.HCM khác vợ chồng chúng tôi chỉ ở trong nhà. Cho tới một ngày đi ra đường ở Q.Tân Phú, đập vào mắt tôi là tấm biển kêu cứu cần sự giúp đỡ của một xóm trọ. Tôi về kể với vợ và nói, mình không thể ở trong nhà được nữa”. Đó là tháng 7.2021.
Vợ chồng thầy Kiên tới xóm trọ, tặng mì tôm, gạo, sữa, dầu ăn cho bà con trong xóm. Thấy trẻ em ở đó không có máy tính để học trực tuyến, vợ chồng thầy cô giáo về kiểm lại số máy tính bàn của gia đình mình chưa dùng tới.
Gia đình có một công ty về giáo dục, thời gian học sinh ngừng đến trường học trực tiếp, họ còn có 6 bộ máy tính bàn chưa dùng tới và một số điện thoại thông minh, máy tính bảng vẫn còn dùng được tốt. Có thể san sẻ cho học trò.
Từ chuyến đi từ thiện hồi tháng 7, vợ chồng thầy cô giáo sắp xếp thời gian để làm công tác xã hội. Thầy Kiên là giáo viên dạy toán. Cô Huệ là giáo viên dạy ngữ văn. Các ngày từ thứ 2 tới thứ 7 dạy học trực tuyến ở nhà. Còn chủ nhật, họ lên xe, chở theo mì tôm, gạo, dầu ăn, mắm muối, trứng, sữa tới khắp những nơi khó khăn từ các huyện Củ Chi, Bình Chánh tới các quận 12, Gò Vấp…
Đọc báo chí, lắng nghe thông tin từ bạn bè, biết tới xóm trọ nào bà con gặp nhiều khó khăn là cả hai cùng tới. Trên hành trình làm việc thiện của mình, bên cạnh tặng đồ ăn cho bà con, họ tặng dụng cụ học tập trực tuyến cho các em.
Tới bây giờ, họ đã gửi tới hơn 1.000 phần quà nhu yếu phẩm tới các hoàn cảnh khó khăn. Nhà nào có trẻ nhỏ luôn được tặng sữa. Tới nhiều gia đình, thầy cô còn gửi tiền mặt, từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng mỗi nhà, nhằm chia sớt khó khăn phần nào với những nỗi đau họ phải trải qua trong đại dịch.
“Nhiều hoàn cảnh khổ lắm. Kể không thể nào hết. Nhưng ám ảnh trong tâm trí tôi là hoàn cảnh vừa tới thăm hồi tháng 11 vừa qua, trong một dãy nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Quá, Q.12. Từ thông tin tôi biết được, ở Trường tiểu học Lê Văn Thọ, Q.12 có nhiều học trò khó khăn, tôi tới gặp cô hiệu trưởng và nhờ cô nói rõ hơn các hoàn cảnh cần sự hỗ trợ. Cô hiệu trưởng kể cho chúng tôi nghe về em ấy. Và đến nơi, tôi thật sự ám ảnh, cho tới giờ”, cô Phan Thị Mỹ Huệ kể.
“Nhà ấy có 2 anh em trai. Em mới học lớp 1, anh học lớp 2. Nhưng cậu anh có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên em ấy cứ ngơ ngác. Cha của hai em mất vì Covid-19. Mẹ thì bị tai nạn giao thông, mất ngay trên đường sau đó ít lâu. Hai em bé mồ côi sống cùng người cậu của mình, cũng trong gian nhà trọ nhỏ xíu. Ông chủ nhà trọ thương, trong mùa dịch để luôn cái gian nhà của hai anh em làm nơi thờ cha mẹ các em”, cô Huệ xúc động.
Vì cuộc sống thật vô thường
Vợ chồng cô Huệ có hai con, bé lớn là học sinh lớp 11, bé nhỏ học lớp 3. Có con nhỏ, họ thấu hiểu những đứa trẻ cần vật chất no đủ và tình yêu thương lớn như thế nào.
Thầy Nguyễn Hữu Chung Kiên bộc bạch: “Biết về tin tức những cháu nhỏ gặp những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, tôi rất xót xa. Nhiều khi thấy mình cũng rơm rớm nước mắt. Nhưng khóc cũng không giải quyết được gì. Thà rằng mình đứng lên làm điều gì đó”.
“Làm điều gì đó” của hai vợ chồng, đó là trích tiền mình có được từ các giờ giảng dạy, để làm những việc thiện, mua nhu yếu phẩm gửi bà con các hẻm, nhà trọ khó khăn và lái xe đi tới các nơi ngoại thành xa xôi trao tận tay bà con; mua thêm gạo, trứng cho vào hai cái thùng lớn trước cửa nhà để ai cần là có thể ghé lấy. Hoặc giúp đỡ chính các em học sinh mà hai thầy cô giảng dạy, em nào F0 mà ở thành phố, cha mẹ ở quê, thầy cô cũng giúp. Em nào hoàn cảnh, thầy cô dạy kèm không lấy tiền.
Ngoài dạy học, cô Mỹ Huệ còn viết sách. Tiểu thuyết Bóng âm của cô đã được xuất bản, cô giáo dành tiền bán sách để có thể nhân thêm nhiều chuyến đi từ thiện trong cộng đồng hơn.
Biết câu chuyện đẹp của vợ chồng thầy cô giáo Kiên, Huệ đi giúp bà con ở khắp thành phố trong mùa dịch, bạn bè của hai vợ chồng cũng gửi thêm tiền, góp sức cùng hai vợ chồng làm việc thiện.
Cô giáo Mỹ Huệ tâm niệm: “Cuộc sống vô thường như thế, tiền có thể làm được gì? Đó là quy thành nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, để giúp thêm nhiều người khốn khó trong xã hội”.
Còn thầy giáo Kiên bộc bạch: “Sau đại dịch vợ chồng tôi ngẫm ra rằng cuộc đời không thể nào biết trước. Sống nay chết mai, không biết như thế nào. Thế thì hãy cùng nhau làm những điều tử tế để thêm nhiều người được giúp đỡ”.