Nguồn: thanhnien.vn
Không phải bêu tên trước toàn trường trong giờ sinh hoạt dưới cờ hay bắt đứng trước tập thể đọc bản kiểm điểm để rồi trẻ lớn lên với nỗi ám ảnh, nhiều thầy cô giáo có những ‘liều thuốc’ đến từ trái tim, cảm hóa học trò.
Bàn tay đưa ra với cậu học trò nghiện ma túy
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cô Phan Thị Mỹ Huệ, đang là giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.Thủ Đức, TP.HCM), vẫn chưa thể quên cậu học trò đặc biệt.
Năm 2008, cô Huệ về dạy tại một trường học ở Q.10, TP.HCM. Một học sinh (HS) tên N. lúc nào cũng tỏ ra bất cần đời, lầm lì, không hợp tác với bất kỳ thầy cô nào. Nhà có kinh tế khá giả, anh trai du học Pháp ngành y, ba mẹ muốn N. cũng theo y khoa nhưng N. chỉ thích vẽ. Buổi tối em hay tụ tập với các bạn ngoài đường. Trong giờ tiếng Anh, N. mang sách giáo dục công dân ra đọc. Khi giáo viên hỏi, N. tức giận đứng lên hất đổ cả bàn học mình đang ngồi và nói “tiếng Anh học gì, vớ vẩn!”.
“Nhưng tôi quan sát, đây là một nam sinh rất có tố chất nghệ thuật. Tôi từ từ trao đổi, hỏi thăm em, các bạn cùng lớp cũng khen em vẽ đẹp. Năm ấy lớp vẽ báo tường, tôi nhờ em làm, và tác phẩm đẹp được khen ngợi. Nhưng cũng bất ngờ, một ngày bác bảo vệ phát hiện em dùng ma túy trong nhà vệ sinh. N. phải nghỉ học trong nửa năm. Gia đình cho em cai nghiện ở nhà, nhưng N. không chịu uống thuốc, không hợp tác với ai. Gia đình em thường xuyên phải cầu cứu tôi đến, trò chuyện, thuyết phục em. Tới nơi, N. bị xích lại vì sợ em đập phá, tôi nói cha mẹ đừng xích em”, cô Huệ kể.
Trong nửa năm, nhiều lần nửa đêm gia đình N. gọi, cô Huệ lại chạy sang, khuyên nhủ cậu học trò. “Dần dần, N. cai nghiện được, em trở lại trường học, được thầy cô, các bạn đón nhận. Năm đó, em cũng tốt nghiệp rồi qua Singapore du học, đúng ngành thiết kế đồ họa mà em yêu thích. Bây giờ, em đã lập gia đình, có vợ con, rất thành đạt, thi thoảng cô trò vẫn trò chuyện qua điện thoại”, cô giáo ngữ văn kể.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, cô Huệ chia sẻ học trò có rất nhiều những hoang mang, đổ vỡ bên trong, làm sao để gia đình, nhà trường phải trở thành điểm tựa an toàn cho các em, điều đó rất quan trọng. Mà trước tiên, làm thế nào để học trò đó tin tưởng thầy cô, để bộc lộ ra những tâm tư, suy nghĩ của mình. “Năm đó, nếu như N. nghiện ma túy, và mọi người ruồng bỏ, xa lánh em, không ai chìa bàn tay ra cứu em, thì đời em sẽ về đâu? Hành trình để một người thầy là điểm tựa, là người bạn, đưa được bàn tay kéo học trò của mình về phía lẽ phải không phải ngày một ngày hai, nhưng nó là một hành trình cần sự kiên nhẫn và yêu thương”, cô Huệ bộc bạch.
Cậu học trò chửi thề thích piano
Không phải là đe nẹt, dọa dẫm, bêu tên trước đám đông thì học trò mới sợ hãi và thay đổi. Những lời động viên, quan tâm tới cảm xúc của các học trò, tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh của từng em, tránh làm tổn thương các em là “liều thuốc” đặc biệt.
Thầy giáo Lê Hoàng Phong, sáng lập doanh nghiệp xã hội YOURE, còn nhớ những năm tháng là giáo viên tiếng Anh của chương trình Teach For Vietnam tại Trường THCS Chà Là và THCS Bàu Đăng (H.Dương Minh Châu, Tây Ninh). Ở đây luôn có những học trò nhất quyết làm trái lời của các giáo viên.
Những tiết sinh hoạt dưới cờ ý nghĩa
Ở nhiều trường học, tiết sinh hoạt dưới cờ có nhiều hoạt động ý nghĩa để thầy và trò cùng khởi đầu một tuần mới nhiều năng lượng.
Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM), vào sáng thứ hai đầu tuần cô và trò có buổi sinh hoạt chuyên đề, đại diện mỗi lớp thực hiện các hoạt cảnh theo chủ đề, từ đó thầy cô trò chuyện với HS về những vấn đề các em đang quan tâm hiện nay như bạo lực học đường, tuân thủ luật an toàn giao thông…
Như tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.Thủ Đức, TP.HCM), vào tiết sinh hoạt dưới cờ mỗi tuần, đại diện một lớp sẽ đứng lên chia sẻ với bạn bè, thầy cô về cuốn sách ý nghĩa. Sau đó, thầy hiệu trưởng sẽ mang tới cho các học trò câu chuyện đầu tuần. Những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị về tình cảm gia đình, sự bao dung, cố gắng trong cuộc sống, gửi gắm tới học trò những bài học nhỏ.
“Trong mắt mọi người, đó là cậu bé ngỗ ngược, không nghe lời thầy cô khi giờ học toàn làm việc riêng. Tôi chỉ nói với em: “Nếu con không thích học bây giờ, con có thể ra sân chơi, ngủ, tùy ý con. Miễn là cuối giờ con làm hết bài tập, ghi đủ bài”. Ngày nào cũng thế, các HS về từ 16 giờ 30, còn tôi ngồi đợi cậu bé tới 19 giờ, để con hoàn thành hết bài. Hơn một tuần như thế, hình như cảm nhận được sự kiên nhẫn, sự quan tâm của tôi với cậu, cậu học trò đã hoàn thành bài ngay trên lớp và giờ học nào cũng rất thích phát biểu, trò chuyện với thầy cô, các bạn”, thầy Phong kể.
Cô Phan Thị Mỹ Huệ, cũng là người sáng lập Công ty TNHH giáo dục Thiên An, cho hay có một cậu học trò lớp 4 được mẹ gửi bán trú tại đây, thường xuyên chửi thề, viết vẽ từ bậy, quậy phá, kể với các bạn mình đã xem video nội dung xấu… Gia đình đau đầu không biết làm sao để giúp con. Nhưng một ngày, cô Huệ phát hiện ra cậu bé này thường ngồi chăm chú xem trò khác chơi piano.
“Tôi hỏi em thích piano đúng không, cậu bé năn nỉ “cô Huệ ơi, cô dạy cho con”. Tôi nói tôi sẽ dạy em đàn nếu như em điều chỉnh hành vi của mình. Thật bất ngờ, dần dần cậu bé đã thay đổi, từ tác phong ăn mặc, cách đi đứng nói chuyện, thái độ trong học tập và giờ đây em là học trò chơi piano cổ điển rất hay”, cô Huệ không giấu được niềm vui.